“Tiền nhàn rỗi đầu tư vào đâu để sinh lời?” đang là một câu hỏi làm đau đầu giới đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư (NĐT) cá nhân trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Nghịch lý ở Việt Nam được các chuyên gia chỉ ra rằng mặc dù than thở lãi suất ngân hàng (NH) thấp nhưng người dân vẫn “loanh quanh” chẳng biết đầu tư vào đâu ngoài việc gửi tiền tiết kiệm.
-
Ưu và Nhược điểm các khoản đầu tư, lựa chọn kênh đầu tư nào?
-
Lựa chọn kênh đầu tư vào thời điểm cuối năm 2015?
-
Thị trường vàng, USD cùng lặng sóng
Bài viết dưới đây sẽ phân tích ưu điểm và nhược điểm của từng kênh đầu tư.
Lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng lớn
TS Hà Huy Tuấn – Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết: “Lợi nhuận và rủi ro luôn đi đôi với nhau. Lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng lớn”. Có thể tổng kết có 5 kênh đầu tư chính hiện nay là gửi tiết kiệm ngân hàng, mua vàng, BĐS, chứng khoán, và đầu tư vào các quỹ mở.
Lãi suất NH trong 3 năm gần đây liên tục giảm. Theo số liệu của Bloomberg và CBRE, năm 2012 lãi suất tiết kiệm bình quân là 11,3%/năm. Tuy nhiên đến năm 2013 lãi suất chỉ còn 8,9%/năm và năm 2014 thì tụt xuống còn 6,9%/năm.
Ông Lê Văn Phán – Giám đốc Quỹ đầu tư tài chính VinaWealth cho rằng “Nhìn từ góc độ NĐT cá nhân thì gửi tiền tiết kiệm ngày càng kém hấp dẫn”. Tiền gửi tiết kiệm bị ảnh hưởng bởi lạm phát nên về dài hạn, đây là kênh đầu tư cho lãi suất thực dương thấp. Ngoài ra, nếu NĐT rút tiền tiết kiệm trước thời hạn thì phí rút khá cao. Bảo hiểm tiền gửi cao nhất cũng chỉ ở mức 50 triệu đồng, tức là nếu NĐT có gửi tiết kiệm 1 tỉ đồng trong NH, trong trường hợp NH phá sản, khách hàng cũng chỉ nhận được 50 triệu đồng. Tuy nhiên, đây là phương thức đầu tư an toàn, tiện lợi và có tính thanh khoản cao.
Vàng là kênh đầu tư chống lại lạm phát. Vàng giữ được giá trị, và bảo toàn vốn. Tính thanh khoản vàng cao. Tuy nhiên điểm bất lợi là vàng chịu tác động lớn bởi kinh tế vĩ mô, cung – cầu, và chính sách của Chính phủ VN. Các NĐT không chuyên nghiệp khó nắm bắt chu kỳ lên xuống vàng và diễn biến vàng trên thế giới. Giá vàng liên tục biến động nhưng nhìn chung năm 2012, giá vàng dao động ở mức 42,5 triệu đồng/lượng và năm 2013 tụt xuống còn 36,2 triệu đồng/lượng. Năm 2014, giá vàng chỉ còn 32,7 triệu đồng/lượng.
BĐS kênh đầu tư được ưa chuộng ở Châu Á, đặc biệt là ở VN. Các chuyên gia chỉ ra rằng người VN thường có tâm lý thích sở hữu đất cát. Điểm thuận lợi là BĐS có xu hướng tăng giá và khả năng lợi nhuận cao trong dài hạn. Bên cạnh đó, NĐT còn có nguồn thu từ cho thuê nhà hằng tháng. Tuy nhiên, việc đầu tư vào BĐS đòi hỏi tiền đầu tư cao, mức độ rủi ro lớn, tính thanh khoản thấp. NĐT cá nhân mất nhiều thời gian thực hiện mua bán giao dịch, cho thuê, rủi ro tranh chấp pháp lý. Trải qua mấy năm chìm lắng, gần đây BĐS đã có giai đoạn phục hồi tốt.
Theo các chuyên gia, đầu tư vào chứng khoán có khả năng sinh lời cao trong trung và dài hạn. Đây là kênh đầu tư không đòi hỏi vốn lớn, linh hoạt, dễ tham gia. Tuy nhiên do TTCK mới phát triển ở Việt Nam được 15 năm nên hiểu biết của người dân còn hạn chế. Không ít NĐT chơi chứng khoán mà không thực sự am hiểu mà chỉ dựa theo tâm lý đám đông, tâm lý đầu cơ, lướt sóng vì vậy nếu chọn sai cổ phiếu đầu tư hoặc chọn sai thời điểm mua – bán thì NĐT có khả năng mất trắng khoản tiền lớn chỉ trong vài ngày.
Quỹ mở là một kênh đầu tư mới xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2012. Các NĐT ủy thác cho các Cty quản lý chuyên nghiệp đầu tư tiền của mình. Ưu điểm của kênh đầu tư này là đa dạng, tính thanh khoản cao. Tuy nhiên bất lợi là các NĐT trả mức phí khá cao cho các Cty quản lý quỹ.
Đừng bỏ trứng vào cùng một giỏ
Trả lời cho câu hỏi: Tiền đầu tư vào đâu để sinh lợi nhiều nhất mà rủi ro thấp nhất? TS Lê Đăng Doanhđưa ra lời khuyên “Tiền không nên cho trứng vào một giỏ”. Các NĐT nên đa dạng hóa các khoản đầu tư của mình. Mỗi kênh đầu tư dù là truyền thống hay mới đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Việc cân nhắc lựa chọn kênh đầu tư nào tùy thuộc vào hoàn cảnh của từng người, kỳ vọng lợi nhuận và mức độ chấp nhận rủi ro của họ. Theo TS Lê Đăng Doanh: “Đa dạng hóa danh mục đầu tư là một trong những giải pháp hiệu quả để bảo toàn vốn và tối ưu hóa khả năng sinh lời của nguồn vốn nhàn rỗi. Các kênh đầu tư mới như chứng khoán, ủy thác đầu tư… là những kênh có thể mang lại lợi suất mà NĐT có thể sử dụng linh hoạt và rất hiệu quả.